Breaking News
Loading...

Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hải Vân (ảnh), Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) về thực tế nhiều nhà thầu tại Việt Nam có lao động nước ngoài đến làm việc không thủ tục làm giấy phép lao động.
Xin bà cho biết việc cấp phép lao động cho người nước ngoài vào Việt Nam làm việc có điểm gì mới so với trước đây?
- Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ban hành ngày 05/9/2013 thay thế Nghị định số 34/2008/NĐ-CP và Nghị định số 46/2011/NĐ-CP đã tạo điều kiện cho lao động Việt Nam có chuyên môn, trình độ tay nghề làm việc nhiều hơn trong các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng. Ở một số vị trí như quản lý, giám đốc điều hành,... nếu lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất kinh doanh thì cho phép tuyển lao động nước ngoài có trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật vào làm việc.
Theo nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc xin phiếu lý lịch tư pháp cho nhân viên hoặc đối tác của họ sang làm việc chỉ một hai ngày rất mất thời gian và gây khó khăn. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
- Hiểu được khó khăn và hạn chế này nên mới đây chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương có các giải pháp tháo gỡ, xử lý cụ thể cho các trường hợp phát sinh. Bộ LĐTBXH cũng đang nghiên cứu, sớm đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2013/NĐ-CP phù hợp hơn trong thời gian tới.
 Thưa bà, có ý kiến cho rằng Nghị định 102/2013/NĐ-CP gây khó khăn cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động?
- Ở nhiều nước, một số vị trí việc làm không chỉ yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ mà phải qua kiểm tra, sát hạch trình độ chuyên môn, ngoại ngữ; khi tuyển lao động kỹ thuật, ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn phải có xác nhận kinh nghiệm. Ở Việt Nam, một số quy định trong thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tương đối khắt khe. Các quy định này có ưu điểm bảo vệ vị trí việc làm cho người lao động Việt Nam nhưng lại ảnh hưởng đến việc tuyển và sử dụng lao động nước ngoài ở vị trí công việc lao động Việt Nam chưa đáp ứng được. Để tháo gỡ vướng mắc, Bộ LĐTBXH đã đề xuất và được Chính phủ cho phép thực hiện đơn giản hóa một số thủ tục trong việc cấp giấy phép lao động tại Nghị quyết số 47/NQ-CP.
 Nhiều người lợi dụng “kẽ hở” làm việc dưới 3 tháng không phải xin giấy phép lao động nên cứ hết thời hạn thì về nước rồi quay lại Việt Nam. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
- Hiện tượng tại một số doanh nghiệp, nhà thầu tại Việt Nam có lao động nước ngoài đến làm việc không xin giấy phép lao động (kể cả trường hợp làm việc dưới 3 tháng như phản ánh) là vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam!
Trách nhiệm trong việc cấp giấy phép lao động và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam như thế nào, thưa bà?
- Theo quy định, việc quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn là trách nhiệm của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, cơ quan chức năng địa phương giới thiệu, cung ứng lao động Việt Nam làm việc cho các nhà thầu ở các vị trí công việc dự kiến tuyển lao động nước ngoài; đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuyển và sử dụng lao động nước ngoài của doanh nghiệp...
Về phía Bộ LĐTBXH, chúng tôi sẽ tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ địa phương trong công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và pháp luật lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói riêng. Nhanh chóng đánh giá, hoàn thiện chính sách về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam để vừa tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt công tác quản lý lao động nước ngoài, vừa đảm bảo Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Next
This is the most recent post.
Bài đăng Cũ hơn