Breaking News
Loading...

Info Post
Hiện nay lao động trong nước thất nghiệp ngày càng có xu hướng gia tăng trong khi đó, số lao động nước ngoài "chui” vào Việt Nam làm việc ngày càng nhiều. Sự hiện diện của lao động nước ngoài không chỉ khiến lao động trong nước mất cơ hội có việc làm mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình trật tự an ninh xã hội. Số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB & XH tính đến năm 2012 có khoảng 77.359 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (tăng 6% so với năm 2011). Trong đó, số lao động đã được cấp phép là 40.529 người, không thuộc diện cấp phép là 5.500 người và chưa được cấp phép là 31.330 người. Tuy nhiên, trên thực tế số lao động là người nước ngoài làm việc "chui” tại Việt Nam cao hơn rất nhiều.
Chính vì lý do đó, nhà nước đã có những chính sách nhất định để quản lý nguồn lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, theo đó, đối với những lao động làm việc “chui” không có Giấy phép lao động sẽ bị trục xuất ra khỏi Việt Nam theo quy định tại Điều 18 của Nghị định 102/2013/NĐ-CP như sau:
Điều 18. Trục xuất người lao động nước ngoài
1. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động mà không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 7 Nghị định này bị trục xuất theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan công an trục xuất đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động.
Trường hợp tổ chức và cá nhân phát hiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động thì thông báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày xác định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan công an trục xuất người lao động nước ngoài đó.
4. Bộ Công an có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn về thẩm quyền, thủ tục trục xuất đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động;
b) Hướng dẫn việc cấp thị thực cho người lao động nước ngoài sau khi đã được cấp giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động hoặc nộp đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động;
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn trình tự, thủ tục gửi danh sách người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Như vậy, trừ các trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động  thì để có thể làm việc tại Việt Nam, người lao động nước ngoài buộc phải xin cấp Giấy phép lao động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.